Buổi chiều định mệnh ấy đã đánh cắp đi nụ cười của mẹ tôi. Mẹ đau đớn vì cái chết đột ngột của bố tới mức không thể khóc được. Trong đám tang hôm đó, có một góa phụ ngồi tựa vào góc tường, tóc xõa bù, gương mặt ngẩn ngơ, vô hồn trơ trọi giữa tiếng rên rỉ, tiếng trống điêu linh và tiếng khóc inh ỏi, thảm thiết. Giữa trăm ngàn thứ tạp âm hỗn mang ấy, mẹ co rúm người nhưng không hề khóc.
Có người nói mẹ không yêu bố nhiều, họ lấy nước mắt của mẹ ra để đong đếm, cân đo tình cảm của mẹ dành cho bố. Có người nói mẹ mạnh mẽ, cứng cỏi, giấu nỗi niềm vào trong dạ. Tôi biết, mẹ bàng hoàng không tin đó là sự thật, nỗi đau khiến cho mẹ hóa đá giống như nàng Tô Thị ngày xưa. Cho tới khi sau đám tang bố hơn một năm, mẹ vẫn giữ thói quen cũ như khi bố vẫn còn bên cạnh mẹ con tôi: dậy sớm nấu ăn sáng cho hai bố con, bát đũa lúc nào cũng thừa một đôi, chén trà luôn thừa một tách… Mọi đồ vật trong ngôi nhà đều in đậm bóng dáng bố và dường như mẹ luôn cố gắng, nỗ lực đánh thức tất cả những kỉ niệm, hồi ức về bố, để có cảm giác bố vẫn ở đâu đó bên cạnh hai mẹ con.
Bố mẹ tôi kết hôn, gắn bó nhau được 24 năm và chỉ có duy nhất một người con – là tôi. Bao nhiêu yêu thương chiều chuộng và cả kì vọng bố mẹ đặt cả vào tôi. Kể từ khi tôi biết nhận thức và tới khi bố qua đời, trong ý niệm của tôi, bố mẹ sống cuộc đời bình dị, gắn bó, đơn giản cũng như bao cặp vợ chồng khác. Nhưng qua lời kể của bà ngoại, tôi hiểu thêm được tình cảm, nghĩa tình bố mẹ dành cho nhau. Ngoại kể, để đến được với nhau, hai người đã trải qua không ít sóng gió, ngăn cản từ phía gia đình. Gia đình nhà nội chê mẹ là con gái miền thôn quê, không có được cái sang, kiểu cách, phong thái của người thành phố, gia đình khó khăn không môn đăng hộ đối với gia đình nhà nội. Nhưng bố mẹ tôi đã vượt qua những rào cản đó để đến được với nhau bằng tình yêu trong sáng, mãnh liệt và toàn vẹn nhất. Mẹ được cái nết dịu dàng, hiền thảo nên dần dần cũng chiếm được tình yêu và sự tôn trọng trong gia đình nhà chồng. Có điều, sau khi sinh tôi xong, mẹ bị thấp khớp nên kéo theo một loạt bệnh khác, sức khỏe không cho phép mẹ sinh thêm con nữa. Nhà chưa có con trai, bao nhiêu xét nét, áp lực, điều tiếng dồn cả lên vai mẹ. Lúc ấy bố đã đứng ra bênh vực mẹ, bố bảo chỉ cần một cô con gái là đủ, bố chẳng bao giờ phân biệt con trai – con gái. Chính sự kiên quyết, chở che của bố đã giúp mẹ vững tin và có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống vốn phải gắn với bệnh tật giày vò.
Bao nhiêu yêu thương chiều chuộng và cả kì vọng bố mẹ đặt cả vào tôi (Ảnh minh họa)
Chẳng thế, khi bố mất đi, suốt cả một thời gian dài, mẹ như là một người khác. Mẹ lúi húi trong bếp nấu những món ăn mà bố thích, mẹ đun những nồi nước thơm để bố ngâm chân mỗi tối trước khi đi ngủ. Đến khi mẹ ngồi thu lu bó gối ôm đầu nhìn đăm đăm chậu nước nhỏ sánh đôi ba giọt nước sàn, tôi chạy vào lay người mẹ, tôi gào khóc, tôi đòi mẹ tỉnh ngộ quay trở về với tôi. Nước lênh láng trên sàn nhà, mẹ giận dữ, luống cuống mắng tôi không thương bố. Mẹ khóc. Cuối cùng mẹ cũng khóc. Mẹ ôm tôi khóc nức nở, sầu thảm khiến tôi cảm tưởng nỗi đau bấy lâu mẹ dồn nén bật trào thành những giọt máu chảy từ hai hốc mắt đau đớn.
Nỗi đau ngân dài trong ngôi nhà khiêm nhường nằm trên con ngõ nhỏ của hai mẹ con tôi rất lâu. Suốt 3 năm sau đó, mẹ tôi quen dần với sự vắng bóng của bố nhưng để đưa mẹ trở về với cuộc sống hiện tại thật chẳng hề dễ dàng. Lúc này tôi cũng học xong thạc sĩ và bắt đầu ổn định nghề nghiệp. Nhiều lần mẹ thúc giục tôi lấy chồng, con gái 25 tuổi cũng không còn quá non nớt để về nhà chồng, để thêm ít lâu nữa sợ ế chỏng, ế chơ. Tôi chưa bao giỡ nghĩ tới ngày xa mẹ, muốn được đỡ đần, xoa dịu vết thương trong lòng mẹ. Thế nên dù ở cái tuổi 25, tôi cũng chưa hề rung động trước bất kì người đàn ông nào. Bạn bè nói tôi khó tính, kĩ càng, chẳng mấy chốc sẽ là một bà già khó ưa nhưng họ đâu hiểu trong thâm tâm, tôi hằng mong có người đàn ông đủ mạnh mẽ, mãnh liệt làm tan chảy khối băng lạnh ngắt trong lòng tôi và quan trọng hơn, người đàn ông đó phải kính yêu mẹ tôi, coi mẹ tôi như mẹ ruột.
Cho tới một ngày anh xuất hiện. Anh hơn tôi 10 tuổi, chín chắn, cẩn trọng và thông minh, là phó phòng nơi công ty tôi làm việc. Không khó hiểu những nét tính cách này hội tụ ở anh – người đàn ông không còn trẻ và đơn thân. Bỗng chốc một cảm giác hết sức lạ lùng ùa vào tâm hồn tôi. Ngay từ lần đầu gặp anh, anh mang tới cho tôi cảm giác tin cậy và được che chở. Mang tâm trạng bẽn lẽn lẫn những hồi hộp, ngập ngừng này tôi kể với mẹ, mẹ tủm tỉm, nói con gái đã biết yêu rồi.
Đúng lúc ở trên có dự án mới yêu cầu tổ công tác của tôi chịu trách nhiệm thiết kế, đưa đẩy thế nào tôi và anh cùng hợp tác thiết kế một bộ phận quan trọng trong hệ thống đó. Công việc bận rộn, thậm chí nhiều khi anh phải qua nhà tôi cùng làm cho kịp thời hạn. Mỗi lần đó, mẹ tôi đều nấu cơm, mời anh ở lại ăn cùng hai mẹ con cho có không khí đông đúc, ấm áp của gia đình. Quả thực lúc đó tôi bắt đầu mơ về một mái ấm nho nhỏ với biết bao hạnh phúc và niềm háo hức. Mẹ và anh nói chuyện rấy hợp gu nhau. Họ có thể nói chuyện liền tù tì mấy tiếng đồng hồ mà không biết chán. Điều đó cũng khiến tôi yên lòng và vui vẻ hơn.
Anh thường xuyên ghé qua nhà tôi, trò chuyện với mẹ mỗi khi mẹ không có giờ lên lớp. Và sau mỗi lần đó, mẹ thường hỏi về anh nhiều hơn, mẹ cười nói nhiều hơn. Nhiều khi tôi thầm cảm ơn anh, người khiến mẹ tôi cởi mở, chan hòa và vui tươi hơn kể từ ngày bố vĩnh viễn rời bỏ cuộc đời này. Hình như anh cũng thích đến nhà nói chuyện với mẹ. Có lần anh chia sẻ với tôi, anh rất tôn trọng và cảm phục mẹ, bệnh tật giày vò cùng nỗi đau mất chồng như vậy mà vẫn kiên cường sống và công tác. Mỗi lần nhắc tới mẹ, khuôn mặt anh rạng rỡ hẳn lên, giọng nói cao vút, đầy hảo sảng. Tôi cười và càng thấy yêu mẹ, tự hào về mẹ, thêm vào đó là niềm vui về người đàn ông tôi thầm thương trộm nhớ cũng kính trọng, yêu thương mẹ tôi đúng như tôi nguyện ước.
Tôi không ngờ người anh yêu lại là mẹ tôi, chứ không phải là tôi! (Ảnh minh họa)
Tôi bắt đầu ngờ ngợ những điều bất thường trong tâm hồn anh mỗi khi đi làm về, đã thấy anh ở phòng khách, trò chuyện tíu tít cùng mẹ tôi. Hai người họ có thể trò chuyện một cách say mê về văn học – lĩnh vực chuyên môn của mẹ và sở thích nghiên cứu mỗi khi rảnh rỗi của anh từ ngày này qua ngày khác. Mọi chuyện bất ngờ khiến tôi choáng váng bởi vô tình lật giở cuốn sổ công tác của anh, thấy trang giấy gần cuối sổ có viết tên mẹ tôi được lồng trong một hình trái tim rực đỏ. Chẳng biết cái màu đỏ cồn cào của trái tim kia hay do sáng vội đi làm, chưa kịp ăn điểm tâm mà ruột gan tôi nóng bừng như lửa đốt, tôi chạy ra khỏi phòng tìm một chỗ thoáng hơn để hít thở.
Chắp nối những mảnh vá rời rạc trong suốt thời gian qua, tôi tìm được câu trả lời cho riêng mình: anh yêu mẹ tôi. Lẽ nào người đàn ông trong trái tim tôi dành trọn vẹn tình cảm cho người khác, mà người nào đâu xa lạ - chính là mẹ tôi. Mọi thứ trở nên bùng nhùng và tăm tối. Sao có chuyện lạ lùng kì cục như thế này xảy ra? Tôi đến tìm anh, thất thểu, rã rời chờ đợi một lời giải đáp và cái gật đầu của anh làm tôi hoàn toàn sụp đổ. Đúng, anh chưa bao giờ nói anh có tình cảm với tôi, càng chưa bao giờ nói yêu tôi. Anh chỉ coi tôi là đồng nghiệp, là một người bạn tốt bụng và tử tế, chỉ từ khi gặp mẹ tôi, cảm xúc muốn được bảo vệ, yêu thương mới ùa đến với anh. Từng lời nói của anh khiến toàn thân tôi đông cứng, tôi lao ra đường và bỏ chạy như một kẻ thất trận, cho đến khi người ướt nhẹp vì cơn mưa vội vã cuối mùa, tôi mới chịu trở về nhà.
Trông bộ dạng của tôi, mẹ luống cuống, vồ vập hỏi có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra với tôi. Tôi nhìn mẹ, nửa yêu thương, nửa hờn giận. Tại sao lại là mẹ của tôi mà không phải là một người đàn bà khác? Giữa hai người chênh lệch nhau hơn chục tuổi? Tại sao lại là mẹ tôi? Những câu hỏi thi nhau xuất hiện trong cái đầu đang u mê, tăm tối, tôi mệt mỏi và thiếp đi cùng cơn sốt hầm hập kéo tới. Suốt cả tuần liền tôi không nói với mẹ tôi câu nào – điều này còn đáng sợ hơn bất cứ hình phạt nào với mẹ. Một không khí ngột ngạt bức bối và cả hoài nghi ứ đầy ngôi nhà tí tẹo của hai mẹ con tôi. Tôi muốn trừng phạt mẹ bằng cách đó. Còn gì sợ hãi hơn khi ngôi nhà vắng lặng nay càng lạnh lẽo, nặng nề hơn?
Mẹ biết lí do mà tôi giận mẹ, buồn bã, mẹ chỉ hỏi tôi duy nhất một câu: "Lẽ nào con không hiểu lòng mẹ?" rồi mẹ trở về phòng, ôm di ảnh của bố và khóc.
Tôi không biết mẹ đã nói với anh điều gì, chỉ thấy sau đó không lâu anh ra nước ngoài tiếp tục theo đuổi chương trình đào tạo tiến sĩ. Có lẽ anh không giống như tôi, ráo riết chạy khỏi vùng kí ức bộn bề kỉ niệm. Tôi chạy trốn khỏi anh và chạy trốn khỏi mẹ tôi, đơn giản chỉ để quên. "Quên" nói ra thật dễ dàng nơi đầu môi, chót lưỡi, đôi khi vật vã, cuồng dại tới vô cùng…
Mẹ bảo, cả cuộc đời này mẹ chỉ yêu duy nhất một người đàn ông và sẽ chờ đợi ngày đoàn tụ cùng bố ở một thế giới khác. Mẹ và tôi – hai người phụ nữ tiếp tục nương tựa vào nhau, chờ đợi con tàu thời gian đưa tới một sân ga mới, biết đâu là bến bình an.